“Bí quyết” giúp thích nghi nhanh với môi trường học tập mới
Nhưng, điều quan trọng nhất là mình chưa quen với phương pháp giảng dạy tiên tiến của giáo viên ở đây, cộng với vốn tiếng Anh chưa đủ dày,… thành ra đã khó lại càng khó hơn.
Để giúp tân du học sinh sớm thích nghi với môi trường học tập mới và làm quen với phương pháp giảng dạy tiên tiến của các nền giáo dục khác nhau trên thế giới, chuyên mục Du học báo Dân trí xin được “bật mí” một số kinh nghiệm của các bạn đi trước.
Với tân du học sinh khó khăn đầu tiên không chỉ là việc phải tự mình xoay xở với cuộc sống xa nhà, mà còn ở phương pháp học tập, cách quản lí thời gian, quản lí chi tiêu, cũng như sự hiểu biết về văn hóa, phong tục sống của các nước sở tại,…
Thành Trung (du học sinh trường Columbia University, Mĩ) chia sẻ, thời phổ thông khi còn ngồi trên ghế nhà trường mỗi khi đến lớp mình rất chăm chú nghe giảng, rồi ghi chép tỉ mỉ nên lúc đầu sang bên này thấy bỡ ngỡ với cách dạy và học của họ. Ở đây, sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên diễn ra thường xuyên, giữa thầy và trò có thể đối thoại, tranh luận như những người bạn.
Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến sinh viên luôn phải chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, để từ đó có thể trao đổi và tranh luận với giáo viên. Không những thế, sinh viên còn có thể đặt lịch hẹn giáo viên ngoài giờ học để trao đổi những vấn đề liên quan đến bài giảng hoặc chuyên ngành mình quan tâm. Bên cạnh đó, bạn cần lập cho mình một quỹ thời gian phù hợp giữa việc học, tham gia các hoạt động ngoại khóa và thời gian nghỉ ngơi. Bạn cần thực hiện nghiêm túc các bài tập theo lịch, để không rơi vào tình trạng “lụt” bài.
Khó khăn chung của du học sinh là ngôn ngữ, làm quen với cách sống tự lập và hội nhập với xã hội mới!
Còn theo kinh nghiệm của Quang Minh (cựu du học sinh trường London School of Economics, Anh quốc) cho biết: Khi mới đặt chân đến xứ sở sương mù, Minh chưa quen với sinh hoạt bên này, từ đồ ăn, khí hậu cho đến múi giờ,… mình đều chưa thích nghi nên thời gian đầu hay ốm vặt. Bên cạnh đó, cuộc sống xa nhà, không có người chăm sóc nên mọi thứ mình đều phải chủ động. Nhưng, điều quan trọng nhất là mình chưa quen với phương pháp giảng dạy tiên tiến của giáo viên ở đây, cộng với vốn tiếng Anh chưa đủ dày,… thành ra đã khó lại càng khó hơn.
Nhưng, may mắn cho Minh là có các anh chị người Việt ở các khóa trên và các anh chị trong Hội sinh viên Việt Nam tại đây đã giúp đỡ. Nhờ mọi người tư vấn, hỗ trợ Minh mới dần thích nghi với lối sống bên này và tìm được phương pháp học phù hợp với mình. Minh dần biết cách tiếp cận giáo viên, tham gia các lớp học nhóm và khá sành trong việc chọn chỗ ở sao cho tiện dụng nhất.
Cuộc sống xa nhà, xa quê hương nhiều thứ mới mẻ và khác lạ. Các bạn nên tập cho mình tính chủ động từ sớm như: khi đến đất nước nào thì nên tìm hiểu kỹ về văn hóa của họ, có sự đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng về ngoại ngữ, tìm hiểu về địa lý và phải chọn chỗ ở sao cho thuận tiện nhất để tiết kiệm thời gian đến trường cũng như tiết kiệm được chi phí đi lại. Nếu bạn tìm được chỗ ở chung với các anh chị người Việt khóa trên thì là điều rất tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên tham gia vào các CLB và Hội sinh viên Việt Nam ở nơi đó để được hỗ trợ, giúp đỡ khi cần, Quang Minh chia sẻ.
Theo Mỹ Uyên (nghiên cứu sinh tại Singapo) thì khi mới sang Singapore, khó khăn chung của du học sinh là ngôn ngữ, làm quen với cách sống tự lập và hội nhập với xã hội mới. Ngôn ngữ tuy có khó ban đầu nhưng theo thời gian sẽ khá dần lên.
Cái khó khăn hơn là học cách tự quản lí cuộc sống của mình mà không có gia đình người thân bên cạnh. Nhớ nhà, cô đơn cũng là điều không thể tránh. Các bạn hãy giao lưu, kết bạn nhiều để tạo được một mạng lưới bạn bè rộng rãi, sẽ là chỗ dựa tinh thần cho mình khi xa nhà. Việc thường xuyên liên lạc với gia đình cũng là một cách giúp mình cảm giác không quá xa cách với người thân. Cuộc sống du học luôn mang lại những điều mới mẻ và khác biệt, nên mở rộng lòng mình để có thể hòa nhập tốt hơn, Uyên tâm sự.
Leave a Reply