Kỹ năng tư duy sáng tạo kỹ năng ai cũng cần phải học
Nhưng muốn đạt đến tầng bậc ấy thì nhất thiết phải tạo ra những điều kiện thuận lợi cần thiết để giúp quá trình tư duy sáng tạo được thăng hoa.
Có thể không quá lời khi nói rằng, nếu không có tư duy sáng tạo thì không thể có một xã hội phát triển như ngày nay. Chính nhờ có sáng tạo mà con người qua từng thời đại chế tạo ra biết bao nhiêu thiết bị để “nối dài” khả năng của con người.
Kính viễn vọng chính là sự nối dài của đôi mắt, cần cẩu là sự nối dài của đôi tay và máy bay là sự nối dài của đôi chân…
Trong công việc cũng vậy, nếu không có tư duy sáng tạo thì con người không thể giải quyết được những vấn đề nan giải đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính đột phá và hoàn toàn mới lạ. Đối với các bạn trẻ, tư duy sáng tạo là một phẩm chất năng động cũng như sức sống của tuổi trẻ, khẳng định được vị thế của mình trong thời đại mới và góp phần xây dựng xã hội ngày một phát triển hơn. Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải trả lời được câu hỏi “Tư duy sáng tạo là gì? Làm sao rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo?”
Truy tìm khái niệm
Theo các nhà tâm lý học thì hoạt động sáng tạo được xem là dạng hoạt động cao nhất của con người. Năng lực sáng tạo là cốt lõi của hoạt động sáng tạo, làm tiền đề bên trong của hoạt động sáng tạo, nó được xác định từ chất lượng đặc biệt của các quá trình tâm lý mà trước hết là quá trình trí nhớ, tư duy, xúc cảm, ý chí,…
Tư duy sáng tạo là kiểu giải quyết vấn đề dựa trên sự động não tối đa nhằm tạo điều kiện tìm ra phương án tối ưu dựa trên những phương án được nêu ra. Điều này thoạt đầu nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra là cả một quá trình rất phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của hoạt động trí óc.
Trước một vấn đề nan giải, khi tất cả các phương án cũ đều không thể giải quyết được, con người buộc phải tìm ra càng nhiều giải pháp càng tốt, sau đó sàng lọc và chọn ra giải pháp hay nhất trong số những giải pháp đã đưa ra. Tuy nhiên, con đường và quá trình tìm ra những giải pháp mới không hề đơn giản, đó là cả một quá trình “vật lộn” của trí não cho đến lúc cảm thấy “lóe sáng” để rồi mừng rỡ kêu lên “Eureka” giống như Ascimet ngày xưa. Nhưng muốn đạt đến tầng bậc ấy thì nhất thiết phải tạo ra những điều kiện thuận lợi cần thiết để giúp quá trình tư duy sáng tạo được thăng hoa.
Điều kiện để sáng tạo
Điều kiện để quá trình sáng tạo trở thành hiện thực không phải chỉ là một điều kiện đơn độc mà đó là sự tổng hợp nhiều điều kiện. Có thể kể đến một số điều kiện sau:
+ Có nhu cầu khám phá và đặt vấn đề
+ Có sự tự tin nội tại
+ Có ý chí và sự nỗ lực
+ Biết hoài nghi và không vâng lời
+ Biết loại bỏ những suy nghĩ “thói quen”
+ Biết vận dụng những kỹ thuật tư duy sáng tạo
Có rất nhiều cách để có thể tư duy sáng tạo, sau đây là một số cách thường dùng như công não, quy nạp, diễn dịch
Công não
Công não là thủ thuật kích thích con người khai thác tối đa những ý tưởng khi não bị tập kích liên tục bằng cách:
+ Từng vấn đề
+ Lấy ý kiến, ý tưởng
+ Xây dựng mạng
+ Phân tích lựa chọn
+ Quyết định lựa chọn
Quy nạp
Quy nạp là việc đi từ những sự việc riêng lẻ để đi đến một cái chung, một kết luận khái quát. Phương pháp tư duy quy nạp là phương pháp đi từ cái cá biệt đến cái chung nhất, từ nhiều biểu hiện lặp lại để khái quát thành một kết luận.
Diễn dịch
Diễn dịch là sự vận động của nhận thức từ cái chung đến cái riêng, từ tổng thể đến bộ phận. Phép diễn dịch là phép suy luận lấy việc lớn để suy việc nhỏ, lấy cái chung để suy cái riêng, lấy cái bản chất, cái quy luật để gắn cho cái biểu hiện, cái chi tiết. Phương pháp diễn dịch là phương pháp tư duy đi từ tiền đề tri thức chung suy ra kết luận tri thức đặc thù.
Tư duy sáng tạo là một kỹ năng cực kỳ quan trọng với mỗi người chúng ta trong cuộc sống vì chính nó sẽ đáp ứng những thách thức luôn xảy ra. Tư duy sáng tạo là thanh công cụ cực kỳ quan trọng để mỗi người dù ở vị trí nào, đẳng cấp nào cũng có thể vượt qua lối mòn trong suy nghĩ, hành động để hướng đến những giải pháp mới mẻ. Đó không chỉ là yêu cầu của cuộc sống mà còn là những phương pháp để bạn chinh phục những khó khăn của cuộc đời.
Leave a Reply