Bí quyết giúp cho bạn có những sáng tạo đột phá!
Nếu để ý bạn sẽ thấy trong các câu hỏi bên trên có rất nhiều từ “những”. Với cách đặt câu hỏi “có những cách nào? có những gì?” bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều hướng suy nghĩ hơn.
Bạn đã từng nảy ra một ý tưởng? Nó làm bạn háo hức tới mức mất ăn mất ngủ? Bạn cảm thấy tràn ngập khí thế ngay cả lúc tắm? Bạn muốn thực hiện nó lắm… và bạn chia sẻ với 1 người, 2 người, 3 người… họ đều bảo nó phi “thực tế”.. Bạn bắt đầu nghĩ “hình như nó… viển vông”… bạn đấu tranh nội tâm ghê lắm… và ý tưởng đó hiện giờ đang nằm xó nào rồi nhỉ?
Nếu bạn đã từng rơi vào tình huống như trên, xin chúc mừng! Bạn có khả năng sáng tạo, vì ít nhất bạn cũng đã từng nghĩ ra một thứ gì đó mới mẻ! Và bạn đã đối mặt với thách thức phổ biến, những thứ “viển vông” thường có xu hướng bị… vùi dập bởi những bộ óc “thực tế”. Bản thân mình cũng đã trải nghiệm nhiều tình huống tương tự, những ý tưởng đưa ra được đánh giá khá thú vị, song khi qua màn kế hoạch thì thường phải ngậm ngùi nhường chỗ cho những ý tưởng “thực tế” hơn. Mình băn khoăn làm thế nào để tạo ra những ý tưởng đột phá, tức là không những thú vị mà còn khả thi?
Trong khi đang quay cuồng với mớ câu hỏi đó, cũng như những cảm xúc tiêu cực tạo ra vì một niềm tin rằng “mình rất phi thực tế”… thì gần đây một “cú đánh” đã khiến mình sực tỉnh! Trong cuốn sách “Cú đánh thức tỉnh trí Sáng tạo” nổi tiếng, Roger von Oech đã phang vào đầu mình hai câu chuyện có thực. Hai câu chuyện đã giúp mình nhận ra một “thực tế” ít ai biết, đó là : quá trình SÁNG TẠO đột phá hóa ra lại cần cả hai yếu tố: “viển vông” và “thực tế”.
Câu chuyện thứ nhất kể về sơn tường nhà bạn. Nước sơn sau vài năm sẽ tróc ra và cần cạo đi để sơn mới, song việc cạo sơn khá vất vả. Một kỹ sư đã nảy ra một ý tưởng thú vị là trộn thuốc nổ vào sơn tường, sau đó muốn tróc ra hết thì chỉ một mồi lửa là xong! Rõ ràng là một ý tưởng phi thực tế, ngoài việc gây nguy hiểm ra thì cũng khỏi cần sơn luôn (có nguy cơ tường sập!). Song có một công ty đã nhìn vào khía cạnh tích cực của ý tưởng đó. Nó đã mở ra một hướng mới: “liệu có một cách nào đó khiến sơn tự động bong ra không?” và họ đã nghiên cứu ra được một chất phụ gia trộn vào sơn, khi có một chất phụ gia khác quết lên lớp sơn đó thì phản ứng hóa học sẽ khiến cho lớp sơn cũ bong ra! Như vậy là, một ý tưởng “viển vông” đã mở đường cho một phát minh “thực tế” thật tuyệt!
Câu chuyện thứ hai kể về một thành phố của Hà Lan từng gặp vấn đề rác thải, ban quản lý thành phố phải họp nhau lại và đưa ra nhiều giải pháp, từ việc tăng gấp đôi tiền phạt khi vứt rác không đúng quy định cho tới tăng số lượng người tuần tra để phát hiện vi phạm, song chỉ hiệu quả chút ít. Cuối cùng có người nảy ra ý tưởng “trả tiền cho những người nhặt rác bỏ vào thùng”, tất nhiên ý tưởng này là phi “thực tế” vì nếu làm như vậy chắc chắn thành phố sẽ phá sản.
Song nó đã mở ra một hướng mới là thay vì phạt người xả rác lung tung, hãy thưởng người chấp hành quy định. Và ban quản lý thành phố đã cho nghiên cứu phát triển một loại thùng rác điện tử, mỗi lần bạn bỏ rác vào nó lại phát ra một câu chuyện để chọc cười mọi người, từ đó thành phố sạch hẳn! Một ý tưởng “viển vông” đã lại mở đường cho một phát minh “thực tế” đầy ngoạn mục!
Khi bị “đánh” 2 cú liên tiếp, mình nhìn lại tất cả những lần chia sẻ ý tưởng trước đây và phát hiện ra một sai lầm phổ biến trong những cuộc thảo luận liên quan tới sáng tạo. Mặc dù trên bàn họp có thể có đủ những người hay đưa ra những ý tưởng “viển vông” và đủ những người có óc phân tích “thực tế”, đầy đủ cả 2 yếu tố đó chứ? Song vấn đề ở chỗ “viển vông” và “thực tế” là hai giai đoạn của quá trình Sáng tạo Đột phá song lại hay bị nhập làm một. Thế là người “viển vông” thì cố gắng bay lên cao, người “thực tế” thì cứ thế kéo xuống, hậu quả là lơ lửng tại chỗ, không đi tới đâu cả.
Hoặc có những nhóm biết BrainStorm, dành 5-10 phút để viết ra mọi ý tưởng, sau đó bắt đầu đánh giá, chọn lựa song nhiều thì cũng chưa chắc đã có nhiều ý tưởng đột phá. Nguyên nhân ở chỗ nếu như họ không mắc sai lầm nhập hai quá trình “viễn vông” và “thực tế” vào làm một, thì họ lại vô tình tách rời hai quá trình đó quá xa nhau mà không có sự kết nối. Thành ra sau khi “viễn vông” đã đời với nhiều ý tưởng, thì trong quá trình “thực tế” họ tập trung loại bỏ những ý tưởng phi thực tế, thành ra cuối cùng tất nhiên kết quả là sẽ có những ý tưởng khá thực tế song không đột phá.
Vậy thì giải pháp ở đây là gì? Làm sao để Sáng tạo Đột phá? Kết hợp với nghiên cứu về sáng tạo của Roger Von, cùng với kinh nghiệm thực tế của bản thân, mình đã đúc rút ra một quy trình cực kì đơn giản và dễ nhớ giúp bạn và nhóm của bạn Sáng tạo Đột phá đó là :
Cần SÁNG TẠO, hãy SÁNG, rồi, TẠO
sang tao 1
Sáng tạo Đột phá là một quá trình bao gồm 4 giai đoạn rõ ràng.
Giai đoạn “cần SÁNG TẠO”
Một sáng kiến đột phá cần bắt nguồn từ một nhu cầu rõ ràng. Hãy làm rõ nhu cầu bằng cách viết ra tất cả những băn khoăn, những vấn đề cần giải quyết dưới dạng câu hỏi rõ ràng cho tất cả mọi người cùng nhìn thấy. Tôi đang cần giải quyết vấn đề gì cụ thể? Tôi đang băn khoăn điều gì cụ thể?
Giai đoạn “hãy SÁNG”
Hãy nhớ không có gì là hoàn hảo, nên những ý tưởng mới đưa ra thường chưa hoàn thiện, song nó có thể là tia sáng cuối đường hầm, là cánh cửa mở ra một hướng đi hoàn toàn mới mà trước đó chưa ai từng khai phá. Do vậy, hãy trân trọng tất cả những ý tưởng đưa ra, dù là “viển vông” nhất.
Để có những ý tưởng khác biệt và “viển vông” nhất có thể, có một số mẹo nhỏ :
1. Phân tích & liên kết từ khóa (tham khảo Bí wyết Sáng tạo)
2. Nhập vai vào nhân vật khác và đặt câu hỏi. Ví dụ :
– Một đứa nhóc 7 tuổi sẽ nghĩ những gì trong tình huống này?
– Mr.Bean sẽ có những cách nào để giải quyết vấn đề này?
– Một khách hàng khó tính sẽ nghĩ những gì về điều này?
3. Tìm đến một sự vật hay hiện tượng thiên nhiên và tự hỏi có gì liên quan. Ví dụ :
– Cách bố trí các vân trên lá cây có sẽ giúp được chúng ta những gì?
– Một cái phễu thì có những gì liên quan tới vấn đề chúng ta đang đối mặt?
– Những con kiến trong tổ kiến sẽ gặp những khó khăn nào giống chúng ta?
Nếu để ý bạn sẽ thấy trong các câu hỏi bên trên có rất nhiều từ “những”. Với cách đặt câu hỏi “có những cách nào? có những gì?” bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều hướng suy nghĩ hơn.
Một lưu ý đặc biệt là để tránh sa lầy vào một luồng tư tưởng cá nhân nào đó, ở giai đoạn “hãy SÁNG” này hãy dành cho mỗi người ít nhất từ 3 đến 5 phút TĨNH LẶNG để suy nghĩ và viết ra những ý tưởng lóe lên trong đầu mình. Sau đó mọi người có thể chia sẻ những ý tưởng mà mình đã viết ra giấy.
Giai đoạn “rồi”
Đây là một giai đoạn quan trọng song thường bị bỏ qua. Các ý tưởng ở giai đoạn SÁNG có vai trò chính là những cánh cửa mở ra hướng đi mới, nhiệm vụ của bạn bây giờ là thử xem chúng sẽ dẫn tới đâu. Hãy xem xét lại từng ý tưởng và liên tục đặt những câu hỏi :
– Ý tưởng này có giá trị như thế nào?
– Ý tưởng này mở ra một hướng suy nghĩ nào khác biệt?
– Ý tưởng này sẽ dẫn chúng ta tới những ý tưởng nào khác?
Cứ thử đi và bạn sẽ ngạc nhiên bởi những sáng kiến tuyệt vời được mở đường từ những ý tưởng đôi khi rất ngộ nghĩnh, thậm chí là viển vông nhất.
Giai đoạn “TẠO”
TẠO ở đây là TẠO DỰNG, hay một cách nói khác của HÀNH ĐỘNG, chỉ HÀNH ĐỘNG mới tạo ra KẾT QUẢ. Đơn giản là sau đã có danh sách các ý tưởng hoàn thiện, hãy tìm ra và sắp xếp chúng theo các mức độ ưu tiên khác nhau, hãy ưu tiên nguồn lực thực hiện những ý tưởng ĐƠN GIẢN NHẤT mà tạo ra nhiều GIÁ TRỊ NHẤT trước và đảm bảo lưu giữ những ý tưởng khác để tra cứu khi cần.
Đó là quá trình SÁNG TẠO ĐỘT PHÁ, bạn cũng không cần phải nhớ nhiều, chỉ cần bạn nhớ Hãy trân trọng mọi Ý TƯỞNG và khi “cần SÁNG TẠO, hãy SÁNG, rồi, TẠO!” Bạn sẽ đạt mọi kết quả mong muốn!
Một điều cuối cùng, SÁNG TẠO vừa là một khả năng, vừa là một thói quen và bạn hoàn toàn có thể rèn luyện. Có một cách giúp mình luôn duy trì sự Sáng tạo của bản thân là mỗi ngày trôi qua, cho dù ngày đó có gì xảy ra, vừa ý hay không vừa ý, mình đều nhìn lại chúng dưới một góc nhìn thú vị; nó không chỉ giúp bạn Sáng tạo hơn mà còn giúp bạn rèn luyện tư duy tích cực mỗi ngày!
Leave a Reply